Những khó khăn thường gặp khi phát triển Blogs?
Reviewed by Nặc danhon 2014-04-07T10:48:00+07:00
Rating: 4.5
0
Tạo blog là một quy trình kỹ thuật rất đơn giản hầu như ai cũng có thể làm được nếu chịu khó xem hướng dẫn, có tính mày mò học hỏi cao. Tạo dễ như vậy thì tại sao con số các blog phát triển được lại chỉ đếm trên đầu ngón tay?

Quả nhiên đúng như vậy, nó ít là bởi vì khi phát triển một blog để nó trở nên phổ biến, chắc chắn bạn sẽ gặp phải các khó khăn mà nó sẽ là nguyên nhân chính cản trở con đường phát triển blog, và không ít trong nó là nguyên nhân chính để bạn bỏ cuộc.

Mặc dù mình đã và đang làm rất nhiều blog, nhưng mỗi lần tạo một blog mới mình đều vướng phải rất nhiều khó khăn mà nó cứ lặp đi lặp lại cho đến khi mình đã quá quen thuộc với nó mà tìm cách khắc phục. Chính vì vượt qua được những thử thách này, mình lại càng có động lực để viết và chia sẻ hơn.

Khó khăn 1. Thiếu ý tưởng viết bài

Ý tưởng viết bài đôi khi rất xa vời đối với một blogger
Ý tưởng viết bài đôi khi rất xa vời đối với một blogger

Bất cứ ai khi làm blog đều sẽ có một sự khởi đầu trong việc xây dựng nội dung rất tốt, bằng chứng là bạn có thể ngồi cả ngày trời để viết thật nhiều bài khác nhau.

Nhưng ý tưởng dường như không bao giờ là vô tận nếu bạn đã quá tận dụng nó. Bất cứ blogger nào đều sẽ phải thường xuyên đối mặt với câu hỏi “Tôi sẽ viết gì tiếp theo?” mà mỗi câu trả lời đều khiến bạn nặng trĩu cả đầu óc.

Đừng vì thế mà chán nản, hãy biết rằng trên thế giới có rất nhiều blogger mà bạn tưởng chừng như ý tưởng họ không bao giờ cạn cũng phải gặp tình trạng này thường xuyên.

Lời khuyên của mình là bạn hãy sử dụng Evernote để lưu lại toàn bộ “sáng kiến” của bạn mỗi khi trong đầu bạn chợt lóe lên một điều gì đó, kể cả đi vệ sinh nếu trong tay bạn đang cầm một chiếc điện thoại.

Đừng quên rằng ý tưởng chỉ đến với bạn khi bạn thật sự am hiểu về một vấn đề nào đó, vì vậy những lúc bạn không thể nào tìm ra ý tưởng cho riêng mình, hãy tranh thủ thời gian đọc bài các blog mình yêu thích, các chủ đề bạn quan tâm để củng cố kiến thức, lại rèn luyện nhiều kỹ năng khác nhau.
Khó khăn 2. Không còn sự hứng thú

Bất cứ ai cũng phải gặp tình trạng mất hứng thú với blog.
Bất cứ ai cũng phải gặp tình trạng mất hứng thú với blog.
Cũng vào thời gian mới làm blog, bạn sẽ có một tinh thần sung mãn hơn bao giờ hết, nhất là trong khoảng thời gian bạn lên dự định tạo blog. Nhưng bạn đã từng cảm thấy mất hứng thú với chính đứa con tinh thần của mình chưa? Đừng ngần ngại trả lời Có với mình, vì bạn không phải là người duy nhất.

Bạn hãy xem Thachpham.com ngày hôm nay, bề mặt bên ngoài nó bạn có thể thấy các bài viết chất lượng được ra liên tục, luôn phát triển không ngừng nhưng tận sâu thẳm bên trong nó đã không ít lần chạm trán với những cảm giác chán nản, mất hứng thú để phát triển tiếp.

Trong cuộc sống, không ai có thể nuôi dưỡng tinh thần hăng hái suốt được vì sự chán nản chỉ là một thay đổi hoàn toàn tự nhiên trong nhận thức mỗi con người. Vì vậy, bạn đừng cảm thấy lo lắng khi bạn đang dần mất hứng thú với blog của mình.

Hãy khoan đưa ra quyết định dẹp bỏ nó đi và hãy suy nghĩ vì sao bạn lại có cảm giác này? Điều gì khiến bạn không còn nhiều tình cảm với nó nữa? Sau đó, hãy tự đưa ra các bài toán giải quyết nó và bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn, hoặc tự đưa ra một mục tiêu nhất định cho blog để bạn theo đuổi nó tới cùng. Bạn đã từng rất nhiều lần nghe câu nói “thành công chỉ đến với những người thật sự kiên trì“, và đây là lúc để bạn vận dụng.

Khó khăn 3. Bài viết không có bình luận


Không còn gì chán hơn bằng việc một bài viết đầy tâm huyết của mình lại không đón nhận một ý kiến đóng góp nào, thậm chí là một lời cảm ơn ngắn gọn.

Mình hiểu cảm giác đó như thế nào, và mình đã và đang nhìn thấy rất nhiều người đối mặt với nó.

Bạn có nhớ rằng vì sao bạn lại tạo blog hay không? Bạn tạo ra để thỏa sức chia sẻ? Bạn muốn nổi tiếng? Bạn muốn kiếm tiền?,….Thế có bao giờ bạn nghĩ rằng bạn viết blog chỉ là để đọc comment của độc giả không? Nếu bạn chưa từng nghĩ như thế, thì đừng để các con số bình luận kia làm lung lay ý chí của bạn.

Một bài viết thu hút bình luận có thể phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, và chưa chắc chủ đề nào khi viết ra nó cũng đều mang lại cho bạn các lượt bình luận. Chẳng hạn như bạn viết blog về nấu ăn thì đừng bao giờ so lượt bình luận với một blog về công nghệ, vì nhu cầu bình luận của hai đối tượng kia hoàn toàn khác nhau.

Hãy cứ viết, viết vì đam mê của bạn, lấy một bài viết được hoàn tất làm niềm vui. Khi bạn viết một bài xuất phát từ trái tim, một ngày nào đó bạn sẽ phải sợ khi đọc bình luận vì nó quá…nhiều.

Khó khăn 4. Thiếu thời gian

Ai cũng có 24 giờ mỗi ngày như nhau.
Ai cũng có 24 giờ mỗi ngày như nhau.

Thời gian sẽ trở thành một thứ gì đó rất xa hoa khi bạn dấn thân vào con đường viết blog chuyên nghiệp, bạn sẽ thèm khát cho mình một ngày tự do mà không phải lo lắng về việc trả lời email và bình luận của độc giả, tìm ý tưởng, nghiên cứu và viết bài.

Mình đã từng thấy rất nhiều anh em bạn bè bỏ blog chỉ vì “tôi cảm thấy không còn đủ thời gian” trong khi bản thân mình cũng rất nghèo thời gian mà vẫn phát triển blog đến ngày hôm nay, chính xác là mình chỉ có gần 2 tiếng với blog mỗi ngày nếu mình không phải căng mắt ra thức khuya để mau xuống mồ.

Mỗi người đều có 24 tiếng/ngày như nhau, một số người có thể làm được rất nhiều việc mà vẫn thành công thì tại sao bạn lại không? Đừng đổ lỗi là bạn không giỏi bằng họ, não bạn cũng có hơn 2 triệu nơ-rơn thần kinh như họ mà thôi, có hay không là bạn không vận dụng.

Hãy lên kế hoạch sắp xếp lại thời gian biểu của mình và tập làm quen viết nháp ý tưởng khi có thời gian rảnh, thậm chí chỉ là 3 dòng với 5 phút đồng hồ để rồi bạn sẽ tiết kiệm được hàng giờ, thậm chí là hàng ngày trong việc loay hoay với bài viết của mình.

Hơn nữa, các bài hướng dẫn quản lý thời gian trên mạng có rất nhiều. Trong đó có một quyển sách mình đã học được rất nhiều điều trong việc tiết kiệm thời gian là quyển Sharing is Good của Beth Buczynski.

Nếu bạn muốn nghe thêm kinh nghiệm viết blog với quỹ thời gian hạn hẹp từ mình thì hãy đợi một bài khác của mình vì ở đó mình sẽ nói chi tiết hơn.

Khó khăn 5. Bị tấn công

Đừng trao sự sống của blog vào tay người khác.
Đừng trao sự sống của blog vào tay người khác.

Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn chia sẻ toàn những điều hay ý đẹp là không bị người khác ghét, đừng quên câu The Good die Young nhé. Mình không chắc là ở các nước khác là như thế nào, nhưng với xã hội và văn hóa phức tạp như Việt Nam thế kỷ 21 này thì việc bạn bị ghét khi quá tốt, quá thành công là chuyện rất bình thường như cân đường hộp sữa.

Trước hết, mình muốn nhấn mạnh rằng khi tạo blog, để tránh cảm giác chán nản khi bị tấn công thì hãy sao lưu dữ liệu thường xuyên để có gì thì còn khôi phục lại dữ liệu cũ, cũng không quên sử dụng các kỹ thuật bảo mật WordPress để giảm thiểu khả năng bị tấn công.

Nhưng cái mình muốn nói trong phần này không phải là cách chống tấn công vì chẳng có gì là tuyệt đối, mà minh chỉ muốn nói với bạn rằng đừng xem bị tấn công là dấu chấm hết của bạn, vì đó là bạn tự công nhận sự sống còn của blog nằm ở tay người khác.

Khó khăn 6. Đi sai định hướng phát triển


Trong thời gian phát triển, blog muốn thích nghi và phát triển thì phải luôn được thay đổi phát triển liên tục. Nhưng có một lỗi rất dễ gặp phải khi tiến hành thay đổi, mở rộng là đi quá xa so với mục đích ban đầu của mình, hay nói cách khác là bỏ qua giá trị cốt lõi của blog.

Vì thế lời khuyên của mình ở đây dành cho những ai đang có kế hoạch tạo blog là hãy thận trọng trong các thay đổi của blog mình, nhất là về nội dung vì chỉ cần bạn đi quá xa so với bản chất thật sự của blog, thì sau này rất khó để khôi phục nó lại.

Khó khăn 7. Không có nhiều lượt truy cập


Traffic tụt giảm mạnh sau một ngày

Đây cũng là một nguyên nhân dễ khiến các blogger mới nản chí mà bỏ blog mình. Cũng hoàn toàn dễ hiểu vì viết blog mà không có lượt truy cập đích thực thì cũng giống như bạn đang tự độc thoại, trong khi mục đích chính để viết là mang kiến thức đến với nhiều người.

Nếu bạn đang khó khăn về lượt truy cập, hãy thử tham khảo một số tips nhỏ dưới đây:
Viết lại các bài ít được quan tâm

Thường thì các bài viết không thu hút được lượt truy cập vì các lý do dễ gặp như chưa đủ thông tin hữu ích, đăng bài không đúng thời điểm. Hãy tìm lại các bài đó và suy nghĩ rằng bạn có thể viết được gì thêm từ bài đó? Có cần sửa lại bài không? Hay viết lại bài này theo hướng đầy đủ hơn và đăng thành một bài mới?

Bất cứ các công việc nào bạn làm với các bài cũ đều có thể sẽ giúp bạn có thêm các lượt truy cập chỉ cần bạn đừng quá lạm dụng mà đăng đi đăng lại một bài nhiều lần.

Đừng trao sự sống của blog vào tay người khác.

Với hơn 20 triệu người sử dụng các mạng xã hội tại Việt Nam, đặc biệt là Facebook, thì mình nghĩ việc bạn nhận được ít lượt truy cập nếu bạn chưa tập trung vào việc thu hút lượt truy cập từ kênh này là hoàn toàn dễ hiểu.

Viết các bài theo câu hỏi của người dùng

Nếu blog bạn chưa có bình luận thì không có nghĩa là bạn không thể hiểu được người dùng muốn đọc các bài như thế nào, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm bằng cách:
Xem loại từ khóa được truy cập nhiều nhất ở Google Analytics và tập trung nội dung vào nó nhiều hơn.
Hoạt động sôi nổi ở các group/fanpage có liên quan đến chủ đề của bạn đang viết trên các mạng xã hội, ở đó bạn sẽ dễ dàng thấy được các câu hỏi của người dùng rồi chỉ cần viết theo các câu hỏi đó là được.
Đăng các bài dạng tổng hợp.

Khó khăn 8. Không hái ra tiền


Khi đã làm blog chuyên nghiệp thì ai cũng muốn blog mình có thể thu được một số lợi ích nhất định, mà cụ thể là lợi nhuận. Có lợi nhuận thì bạn mới có thể đầu tư blog tốt hơn, bởi vì thực tế đã chứng minh rất có ít blog nào đạt sự đột phá nếu không kiếm ra lợi nhuận, ngay cả Thachpham.com cũng vậy vì mình không hít không khí để sống trong khi dành thời gian viết blog ngoài giờ học thay vì thiết kế web kiếm tiền.

Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu sau một thời gian dài, lượt truy cập cao mà blog bạn vẫn không mang lại lợi nhuận? Chắc là cũng hơi nản và thiếu động lực phát triển tiếp.


Hãy nghĩ rằng bạn viết blog với mục tiêu lớn nhất là muốn chia sẻ hoặc là một cái gì đó đại loại không phải là kiếm tiền, vì một blog có thể hái ra tiền cần phải tốn rất nhiều thời gian nuôi dưỡng. Blog khác với các website thông thường ở chỗ nó có rất nhiều hình thức kiếm tiền, cũng có thể là ít mà cũng có thể là rất nhiều nếu bạn biết cách khai thác hợp lý.

Và một khi bạn đã tìm ra được nguồn lợi nhuận cho blog, đừng quên tìm thêm nhiều nguồn thu khác nhau như câu nói nổi tiếng chúng ta đã được dạy đó là “đừng đặt trứng vào một giỏ”. Mục đích chính ở đây đó là không nên phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất.

Và cuối cùng, muốn kiếm được tiền thì bạn phải trả lời được câu hỏi “Độc giả đang gặp vấn đề gì và ta sẽ giải quyết bằng cách nào?”.
Bạn đã và đang gặp khó khăn nào nữa khi phát triển blog?

Bên trên hầu hết là những khó khăn mà mình đã trải qua rất nhiều lần và hầu như nó cũng là các khó khăn phổ biến cho tất cả mọi người khi làm blog, nhưng nó cũng không phải là tất cả.

Nếu bạn đã và đang gặp khó khăn nào khác mà muốn chia sẻ nó, mình rất muốn lắng nghe thêm ở phần bình luận và biết đâu được chúng ta sẽ tìm ra một giải pháp tuyệt vời cho nó, bạn dám chia sẻ chứ?

Đăng nhận xét

 
Top